Phát triển hợp tác với Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghiệp môi trường
Sáng 21/11, Hội thảo Hợp tác môi trường Việt Nam – Hàn Quốc do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Viện Công nghiệp môi trường và Công nghệ Hàn Quốc (KEITI) được tổ chức tại Hà Nội. Mục đích của Hội thảo là thiết lập mạng lưới hợp tác về môi trường giữa Bộ Môi trường Hàn Quốc và Bộ Tài nguyên Môi trường, các cơ quan, các doanh nghiệp môi trường của hai nước và thảo luận phương án thúc đẩy, khơi dậy tiềm năng kinh doanh, hợp tác trong lĩnh vực môi trường.
Về phía Hàn Quốc có ông Joon Seung Yoon, Viện trưởng Viện Công nghiệp Môi trường và Công nghệ Hàn Quốc, ông Park Yeon Jae, Vụ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc và đại diện 17 doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc.
Mục đích của Hội thảo là thiết lập mạng lưới hợp tác về môi trường giữa Bộ Môi trường Hàn Quốc và Bộ Tài nguyên Môi trường, các cơ quan, các doanh nghiệp môi trường của hai nước và thảo luận phương án thúc đẩy, khơi dậy tiềm năng kinh doanh, hợp tác trong lĩnh vực môi trường.
Trong thời gian qua, Bộ Môi trường Hàn Quốc nói chung và Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường nói riêng đã hợp tác và hỗ trợ Việt Nam phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản lý môi trường thông qua các chương trình đào tạo, trao đổi chuyên đề môi trường và các dự án hỗ trợ xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ môi trường của Việt Nam.
Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến nhấn mạnh đây là cơ hội cho các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, các hiệp hội bảo vệ môi trường trao đổi thông tin, xây dựng niềm tin và cùng nhau thiết lập các kế hoạch đầu tư trong lĩnh vực môi trường. Kết quả của Hội thảo và sự hợp tác của các doanh nghiệp thông qua Hội thảo có thể làm cơ sở ban đầu cho việc hình thành một thị trường công nghệ và công nghiệp môi trường Việt Nam.
Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra khảo sát đánh giá về nhu cầu và năng lực phát triển ngành công nghiệp môi trường tại 20 tỉnh, thành trên cả nước của Bộ Công Thương, kết quả đánh giá sơ bộ ban đầu cho thấy thị trường cho ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam có tiềm năng tương đối lớn. Lượng chất thải rắn phát thải hiện nay khoảng 30 triệu tấn và mức tăng hàng năm khoảng 7%.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, tiềm năng tái chế chất thải rắn công nghiệp cũng rất cao, ở nhiều ngành tỷ lệ chất thải có khả năng tái chế đạt hơn 80%. Những tiềm năng khác về các lĩnh vực như phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm, dịch vụ hỗ trợ kĩ thuật, tư vấn chuyển giao công nghệ; sản xuất thiết bị, vật tư, nguyên liệu và sản phẩm thân thiện môi trường cũng là rất lớn.
Tuy nhiên, hiện nay năng lực các đơn vị cung cấp dịch vụ môi trường ở Việt Nam còn hạn chế, kinh nghiệm, tính chuyên môn hóa và chuyên nghiệp còn thấp. Việt Nam còn thiếu các chính sách cụ thể ưu đãi về đầu tư, hỗ trợ thuế, lãi suất. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh bằng vốn tự có, chưa có sự bảo lãnh của các cơ quan tài chính, ngân hàng.
Để phát triển ngành công nghiệp này, Việt Nam cần sớm xây dựng một hệ thống các cơ chế chính sách phù hợp nhằm tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, người dân đầu tư nhiều hơn nữa vào lĩnh vực xử lý môi trường; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, trong nước và quốc tế trong việc tham gia các dự án đấu thầu cung cấp công nghệ và thiết bị xử lý môi trường.
Nhà nước cần đảm bảo cơ chế thu phí môi trường và thanh toán lại cho nhà đầu tư, điều này sẽ góp phần thu hút đáng kể lượng vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực công nghệ và thiết bị xử lý môi trường.
Tại hội thảo, đã diễn ra Lễ kí kết Biên bản ghi nhớ hợp tác công nghiệp môi trường giữa Viện Công nghiệp và công nghệ Hàn Quốc và Tổng cục Môi trường, giữa Viện Công nghiệp và công nghệ Hàn Quốc và Hiệp hội Công nghệ môi trường Việt Nam, giữa Hiệp hội bảo tồn môi trường và Hiệp hội môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam./.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Hoàng Hiệp - theo vea.gov.vn