Bãi xử lý chất thải Nam Sơn
(ANTĐ) - Không phải vô cớ mà 90% người dân thôn Lương Đình, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn vẫn ngày ngày “nô nức” đi nhặt rác ở bãi rác Nam Sơn từ 2h sáng. Cũng không phải vô cớ mà có một nhóm sinh viên tình nguyện sẵn sàng rong ruổi xe mấy chục cây số để tới tuyên truyền bảo hộ lao động với người dân tại đây.
Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn nằm trên địa bàn 3 xã Nam Sơn, Bắc Sơn, Hồng Kỳ thuộc huyện Sóc Sơn, có tổng diện tích khoảng 83,5ha, trong đó có 53,49ha được sử dụng vào việc chôn lấp rác thải. Người ta vẫn quen gọi khu xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội này bằng cái tên ngắn gọn: bãi rác Nam Sơn.
Thôn Lương Đình, xã Bắc Sơn có hơn 200 hộ với gần 1.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 90% người dân đi bãi, hầu hết đều ở độ tuổi từ 35 đến 40. Trẻ em dưới 16 tuổi bị cấm đi bãi. Thanh niên xã phần đông đi làm thuê ở các tỉnh. Nhà anh Tơ có 4 đứa con, hai vợ chồng chỉ còn phải nuôi 1 đứa con đi học nhưng nếu trông vào ruộng vườn thì không đủ ăn.
Nhà chị Luyến có 3 cô con gái đều nghỉ học từ khi hết lớp 9 và đã đi bãi được hơn 3 năm. Nhà có ruộng nhưng “năm ngoái không được hạt thóc nào”. Cả làng đều túng như thế. Từ khi có bãi rác Nam Sơn, người dân thôn Lương Đình có cơ hội kiếm đồng ra đồng vào. Từ 2h sáng, cả thôn “nô nức” tập trung ở cổng khu đổ rác để chờ mở cửa. Những bóng người dò dẫm trong đêm, đèn pin đeo trên đầu, tay cầm que bới rác từ 3h cho tới 6h sáng đóng cửa bãi.
Họ nhặt các loại bóng (túi nilon), nhựa, sắt vụn về nhà, để riêng từng loại, giặt và phơi khô mới bán được. Vào những ngày mưa, rác chất thành đống cao bằng cây rạ. Mà nào có phải “kinh tế” hiệu quả cao gì, nilon giá 2.000 đồng/kg, nhựa dẻo 5.000 đồng, nhựa chết 3.000 đồng, sắt thép khoảng 2.000 đồng nhưng cũng tùy thời điểm. Trước đây, mỗi buổi, một người khỏe mạnh có thể kiếm được đến 50.000 đồng, còn bây giờ chỉ được một nửa.
Trước kia chưa có bãi rác, họ làm ruộng, trồng chè, làm rừng. Nhưng từ khi có bãi rác thì thu nhập chính của họ lại nhờ vào… nghề phụ. Họ có tiền cho con đi học, thậm chí, nhiều người trước đây rất nghèo, sau vài năm nhặt rác còn sửa được nhà. Cuộc sống bớt khó khăn hơn một chút thì người lao động nhặt rác lại phải đối mặt ngày càng sát với tình trạng ô nhiễm môi trường, sức khỏe giảm sút nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu của Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường tại khu dân cư cạnh bãi rác Nam Sơn, nồng độ hơi khí H2S vượt chỉ tiêu cho phép 2,5 lần, nồng độ NH3 vượt chỉ tiêu cho phép 4,3 lần, các chỉ tiêu về vi sinh vật đều vượt giới hạn cho phép từ vài lần đến hàng nghìn lần. Tất cả các mẫu nước thải từ bãi rác đều có vi khuẩn coliform cao gấp từ 7 đến 114 lần tiêu chuẩn cho phép.
Các đối tượng trong khảo sát có các triệu chứng bệnh đường hô hấp, tai mũi họng, da liễu, mắt, xương khớp… Chuyện bị xây xước khi bới rác rồi bị viêm nhiễm, sưng tấy là… bình thường. Người lao động ở đây đã quá quen với việc hầu như ngày nào cũng phải tiêm phòng uốn ván và uống kháng sinh.
Một bộ phận người dân bám vào sinh sống tại bãi rác Nam Sơn đang đứng trước những nguy cơ lớn về sức khỏe. Bảo họ dừng thật khó, vì đó là nghề mưu sinh, nhưng nếu họ gắn bó với công việc này thì cần phải có biện pháp đảm bảo sức khỏe. Nhiều dự án đã được triển khai, một công trình của nhóm sinh viên tình nguyện của Đại học Tài nguyên và Môi trường cũng vì mục đích này.
Nhóm sinh viên có tên Nhiệt huyết, đã tới tận thôn Lương Đình, khảo sát trong nhiều tháng để thấy rõ tình hình vệ sinh môi trường và sức khỏe của người lao động nhặt rác. Nhóm bắt đầu triển khai dự án “Rác với sức khỏe” do Tập đoàn FPT tài trợ và hướng tới mục tiêu 50-65% người lao động sử dụng trang thiết bị bảo hộ trong quá trình nhặt rác. Nhóm dự án đã khảo sát giai đoạn đầu với 100 người lao động ở thôn Lương Đình về thực trạng sử dụng trang thiết bị bảo hộ lao động của họ khi nhặt rác.
Qua tiếp xúc với từng đối tượng, dự án kết hợp với Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ xã Bắc Sơn tiến hành các phương pháp tuyên truyền. Buổi truyền thông triển khai dự án đã thu hút sự tham gia của hơn 100 người dân. Họ được xem những thước phim về quy trình xử lý rác, các vấn đề môi trường và sức khỏe ảnh hưởng bởi rác thải.
Nhóm dự án phát miễn phí 100 bộ trang thiết bị bảo hộ lao động (ủng, găng tay, khẩu trang), một số thuốc thông dụng (thuốc nhỏ mắt, cao dán) và hướng dẫn sử dụng cho người lao động.
Lê Văn Sơn - Trưởng nhóm Nhiệt huyết, chia sẻ: “Hy vọng rằng mô hình tuyên truyền giữa người lao động với nhau sẽ được nhân rộng ra khắp các bãi rác trong cả nước, giúp người lao động nghèo được làm việc trong điều kiện an toàn hơn”.
Quỳnh Hương